Hiện nay, tỷ lệ chữa khỏi bệnh mất ngủ là khá cao. Bài viết sẽ cung cấp cho người đọc thông tin đầy đủ nhất về chứng bệnh này.
1. Khái niệm
Mất ngủ: là một rối loạn thường gặp trong y học, nhất là trong tâm thần học. Mất ngủ được chia thành hai loại chính là mất ngủ nguyên phát và mất ngủ triệu chứng. Mất ngủ triệu chứng thường gặp trong các trạng thái trầm cảm, hưng cảm, bệnh tâm thần phân liệt, bệnh cơ thể …
Mất ngủ nguyên phát chiếm một tỷ lệ khá cao, nhất là mất ngủ mạn tính nguyên phát (MNMT). Theo ICD-10 (Mục F51.0)- trạng thái MNMT- được gọi là mất ngủ không thực tổn, được địn đó là trạng thái không thoả mãn về số lượng và chất lượng giấc ngủ, tồn tại trong một thời gian dài.
Dịch tễ học
– Ở Mỹ: các nghiên cứu cho thấy khoảng một phần ba dân số có trải qua mất ngủ và 10% trong số đó là MNMT.
– Tại Pháp, một cuộc điều tra năm 1989 trên các đối tượng từ 15 tuổi trở lên có 62% mất ngủ trong giai đoạn 6 tháng gần đây trong đó MNMT là 13% và 47% thường xuyên phải sử dụng thuốc ngủ.
Giới, tuổi
Theo Melliger và cs(1985), Gislason và cs(1987) tỷ lệ nam/nữ là 1/2. Liljenberg và cs(1988) nhận thấy 0,9% đến 2,2% ở nữ và 0,3-2,3% ở nam bị MNMT trong độ tuổi từ 30-63. Lagiesi và cs. (1983) nhận thấy tỷ lệ mất ngủ tăng lên theo tuổi: 1,6% ở người dưới 20 tuổi, 11,9% ở người từ 20- 40 tuổi; 40% ở nữ và 20% ở nam ở độ tuổi từ 45-54; 25%-30% nam và 40% nữ từ 65-69 tuổi.
2. Nguyên nhân – Bệnh sinh.
Nguyên nhân:
-Tâm lí: mất ngủ thường xảy ra sau một sang chấn tâm lí hoặc một loạt những sự kiện bất lợi trong cuộc sống.
– Người ta còn thấy một số trường hợp mất ngủ mạn tính ngay từ hồi còn nhỏ và một số trường hợp hiếm gặp mất ngủ do nhận cảm về giấc ngủ xấu.
-Yếu tố gia đình, cũng như vai trò của nhân cách: chưa có tài liệu nào khắng định một cách cụ thể.
Bệnh sinh: Brezino và cs (1975); Kales và cs (1984); Hyypa và cs (1990); Gaillar (1978; 1990) đưa ra hai giả thuyết về MNMT: sự cân bằng thức – ngủ có thể bị rối loạn bởi hai lí do:
*Giả thuyết thứ nhất:
– Những cơ chế cơ bản của giấc ngủ hoạt động đúng.
– Mức độ hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương tăng lên một cách bất thường dẫn đến sự tăng lên toàn bộ, dai dẳng của mức độ thức trong cân bằng thức – ngủ.
Hậu quả là:
-Ban ngày tăng thức tỉnh thường xuyên, sự cảnh tỉnh xấu. Ban đêm :giai đoạn 1 của giấc ngủ bị rút ngắn, giảm giai đoạn 2 đôi khi cả giai đoạn 4 làm thức giấc tăng lên, chia cắt giấc ngủ ra.
*Giả thuyết thứ 2: Rối loạn chức năng của nhân vùng dưới đồi gọi là SNC mà nó kiểm soát giấc ngủ, làm giảm áp lực với giấc ngủ và cũng dẫn đến hậu quả làm thức giấc tăng lên, chia cắt giấc ngủ ra.
3. Lâm sàng.
Các triệu chứng về giấc ngủ:
-Thời lượng giấc ngủ giảm: tất cả các bệnh nhân đều giảm số lượng giấc ngủ, nhiều bệnh nhân chỉ ngủ được 3-4 giờ/ ngày, thậm chí có bệnh nhân thức trắng đêm. Schneider-Helmert và cs. (1987) nhận thấy giảm 74 phút so với người bình thường, còn Liljenberg và cs.(1988) thấy giảm hơn 1 giờ so với người bình thường.
– Sự khó khăn đi vào giấc ngủ: đây là than phiền đầu tiên, người bệnh không thấy cảm giác buồn ngủ, trằn trọc, căng thẳng, lo âu…Nhiều người bệnh mất từ 30 phút đến 1 giờ 30 phút.
– Hay tỉnh giấc vào ban đêm: giấc ngủ của người bệnh bị chia cắt, giấc ngủ chập chờn, không ngon giấc, khi đã tỉnh dậy thì rất khó ngủ lại. Theo Schneider và Helmert, người mất ngủ thức giấc nhiều hơn 2 lần so với người ngủ tốt.
– Hiệu quả giấc ngủ: được tính theo công thức:
Ở người bình thường hiệu quả giấc ngủ từ 85% trở lên, còn người mất, ngủ hiệu quả giấc ngủ giảm đi nhiều tuỳ theo mức độ mất ngủ, nếu nặng có thể giảm xuống dưới 65%.
– Thức dậy sớm: đa số bệnh nhân phàn nàn là mình ngủ ít quá, tỉnh dậy sớm quá. Các bệnh nhân có thói quen nằm lại trên giường để xem có thể ngủ lại được không, vì vậy nhiều khi họ dời khỏi giường rất muộn so với lúc mà họ chưa bị mất ngủ.
– Chất lượng giấc ngủ: có sự khác biệt giữa người ngủ tốt và người ngủ mất ngủ. ở người ngủ tốt sau một đêm thấy cơ thể thoái mải, mọi mệt nhọc biến mất, vẻ mặt tươi tỉnh. Còn ở người mất ngủ, đó là một giấc ngủ không đem lại sức lực và sự tươi tỉnh, một giấc ngủ chập chờn đôi khi khó xác định được là có ngủ hay không ngủ.
– Diện mạo: vẻ mặt mệt mỏi, hai mắt thâm quầng, dáng vẻ chậm chạp, hay ngáp vặt.
Các triệu chứng liên quan đến chức năng ban ngày:
*Trạng thái kém thoải mái, mệt mỏi vào ban ngày: là hậu quả của trạng thái thiếu hụt giấc ngủ. Bệnh nhân mô tả thấy suy nghĩ chậm chạp, ít quan tâm đến công việc, luôn luôn suy nghĩ tập trung vào sức khoẻ và giấc ngủ của họ.
– Khó hoàn tất các công việc trong ngày, kém thoải mái về cơ thể và giảm hứng thú trong việc tiếp xúc với bạn bè, gia đình…
*Sự cảnh tỉnh chủ quan ban ngày: theo nhiều tác giả thấy giảm đi vào ban ngày. Viot-Blanc (1990), đánh giá sự cảnh tỉnh trên người mất ngủ cho thấy sự cảnh tỉnh giảm hơn vào lúc giữa ngày (12h-16h). Họ cảm thấy ngủ gà nhiều hơn vào buổi trưa và hoạt động kém vào lúc 20h và lúc đi ngủ. Như vậy cả ngày sự cảnh tỉnh của họ xấu hơn so với người ngủ tốt.
Các rối loạn tâm thần kèm theo MNMT: các triệu chứng tâm thần là thứ phát từ mất ngủ, bệnh nhân thấy khó tập trung, chú y và có các vấn đề về trí nhớ. Theo Kales và cs. (1983, 1984) thấy có rối loạn ít nhiều về tâm thần ở phần lớn các trường hợp như: trầm cảm nhẹ, lo âu kéo dài, ức chế cảm xúc và không có khả năng chế ngự được sự cáu gắt, bực tức.
Sự lo âu cũng có thể xảy ra vào ban ngày nhưng thường tập trung vào buổi tối, nhất là lúc chuẩn bị đi ngủ. Nhiều bệnh nhân vào lúc chuẩn bị đi ngủ thấy sợ hãi, lo lắng, lo sợ rằng mình lại không ngủ được.
Vai trò của sang chấn tâm lí (SCTL) và các sự kiện bất lợi trong cuộc sống: nhiều tài liệu khẳng định rằng sang chấn tâm lí như yếu tố gây khởi phát trạng thái mất ngủ; triệu chứng mất ngủ xảy ra đột ngột ngay sau khi có SCTL.
Sang chấn tâm lí cũng có vai trò trong việc duy trì MNMT, thường thì trạng thái mất ngủ tăng lên vào thời điểm có SCTL. Tuy nhiên nhiều trường hợp SCTL mất đi rồi nhưng mất ngủ vẫn tiếp tục, nó được duy trì bởi nỗi sợ hãi không ngủ được, thậm chí là sự lo âu thức dậy vào ban đêm.
Vai trò của các sự kiện bất lợi trong cuộc sống như: sự thay đổi chỗ ngủ, thay đổi môi trường sống, thay đổi múi giờ (đối với những người đi máy bay) cũng gây ra mất ngủ hoặc làm tăng mất ngủ; những người có khó khăn về kinh tế, bất lợi về mặt xã hội cũng là những yếu tố làm tăng mất ngủ.
4. Điều trị
Vệ sinh tâm lí giấc ngủ.
-Tạo thói quen thức & ngủ đúng giờ.
-Nếu đi ngủ mà giấc ngủ không đến, ra khỏi giường làm việc gì đó, đến khi nào buồn ngủ mới quay trở lại giường.
-Tránh thời gian nằm thụ động ở trên giường (nằm mà không ngủ), nhất là vào ban ngày.
-Tránh dùng các chất kích thích (chè, cà phê, thuốc lá, rượu…) và tránh căng thẳng về cảm xúc.
-Chế độ làm việc, hoạt động, giải trí, rèn luyện thân thể…phải hợp lí trong thời gian thức.
-Trước khi ngủ dùng biện pháp êm dịu khác; xoa bóp, tắm nước ấm, tản bộ, nghe nhạc nhẹ…
Các liệu pháp tâm lí:
– Liệu pháp tâm lí cá nhân
– Liệu pháp tâm lí nhóm
– Liệu pháp thư giãn: phương pháp thư giãn để điều trị các bệnh tâm căn trong đó có mất ngủ rất có hiệu quả, gồm các phương pháp làm giãn cơ, thở khí công, tập tư thế đều có liên quan đến cơ chế ám thị, đều lấy ám thị làm điểm tựa, đều nhằm tác động qua lại giữa tâm thần và cơ thể.
Dùng cơ thể tác động lại tâm thần: thế, giãn cơ, tư thế làm cho tâm thần thoải mái, yên tĩnh, mất căng thẳng.
Dùng tâm thần tác động trở lại cơ thể kể cả hoạt động thực vật, nội tạng theo hướng đã định để loại trừ các rối loạn trong đó có mất ngủ.
Liệu pháp hoá dược.
* Sử dụng thuốc gây ngủ thuộc nhóm benzodiazepam có tác dụng:
-Rút ngắn thời gian thiu thiu ngủ
-Giảm thức giấc ban đêm
– Kéo dài thời lượng giấc ngủ
Những thuốc nhóm này như: Immovane, Noctamide, Stylnox có tác dụng giữ được cấu trúc sinh lí của giấc ngủ và thời gian bán huỷ ngắn: 5 giờ với Immovane, 1,8-2,7 giờ với Stylnox -Theo S.Royant-Parola (1992) để tránh sự lệ thuộc đã đưa ra cách sử dụng các thuốc gây ngủ thuộc nhóm benzodiazepam như sau:
-Hoặc sử dụng liên tục trong 3 tuần rồi ngừng.
-Hoặc cho 1 viên trong 1-2 tối /tuần.
* Melatonin (Sleepnice): hocmon sinh ra bởi tuyến tùng, có tác dụng điều hoà nhịp sinh học của cơ thể, giúp có giấc ngủ tự nhiên vào buổi tối, không gây mệt mỏi ngây ngất khi thức giấc, không gây phụ thuộc thuốc; uống 1viên trước khi đi ngủ.
* Sử dụng thuốc chống trầm cảm và an thần kinh
– Laroxyl (amitriptiline): thuốc chống trầm cảm loại an dịu nhưvới liều bằng 1/2 hoặc 1/3 so với liều điều trị trầm cảm, trong 4-5 tuần cho các trường hợp mất ngủ thức giấc vào ban đêm kết hợp với thức dậy quá sớm hoặc không cũng có tác dụng.
– Zoloft (sertraline): thuốc chống trầm cảm, giải lo âu; sử dụng cho những trường hợp mất ngủ có lo âu, trầm cảm; dùng liều thấp (50mg/ngày).
– Dogmatil (sulpirid): thuốc an thần kinh, sử dụng cho trường hợp mất ngủ có biểu hiện lo âu; dùng liều thấp (50mg/ngày).
– Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm và an thần kinh cần phải kéo dài trong nhiều tháng.
Liệu pháp thảo dược (đông y)
Ngày nay, các chế phẩm từ thảo dược như Lạc tiên, Bá tử nhân, Dạ giao đằng, Liên tâm, Sơn thù,… được sử dụng hiệu quả trong liệu pháp điều trị bệnh mất ngủ.
Theo Bệnh viện tâm thần trung ương